Nạn đói năm 1945 (kỳ 3): Hành trình của những “hồn ma” - Bài 2: Nhân tính tiêu tan vì đói
Không hiểu lúc ấy họ kiếm được thứ gì, chắc là có thể ăn được nên hai người tranh nhau rất dữ. Đứa con co cả người nắm chặt tay bố. Hồi lâu đẩy con ra không được, người cha liền co chân đạp con xuống cầu. Đứa trẻ cố níu lấy thành cầu, hai mắt không rời miếng ăn trên tay bố.
Nạn đói năm 1945 (kỳ 3): Hành trình của những “hồn ma”
Bài 2: Nhân tính tiêu tan vì đói
Lục tìm trong tâm khảm sâu thẳm, đau đớn nhưng chắc hẳn còn sáng rõ của mình, bà Chén nói: “Ánh mắt người đói lúc đó không có màu, không có thần. Nhiều lúc họ xử với nhau như thú đói, không nhân tính...”. Bà Chén lúc ấy bế một đứa con nhỏ trên tay. Dành dụm suốt từ đầu vụ đói, bà còn được mấy hào trong túi để dành cho chuyến đi này.
Chợ Bo (thị xã Thái Bình) lúc đó là một bãi đất được căng lên những mảnh ni lông, đay hay lá khô trên những chiếc cọc tre xiêu vẹo. Cả một biển người nằm ngồi lê la bới rác, xin ăn chập chờn như những bóng ma. Vài người ngồi xổm ánh mắt láo liên đầy cảnh giác bên những cái thúng úp mẹt và thường là có thêm một, hai người đàn ông to khỏe dựng đòn gánh đứng bên.
Đó là những người bán hàng. Khoai, ngô, hay bánh cám, bánh đúc… trộn đầy trấu hoặc mùn cưa… Ai mua hàng phải chìa tiền. Đứng tới nửa ngày bà Chén mới cảm thấy có thể an toàn để lại gần người bán bánh hỏi mua. Thế nhưng đang định xé bánh cho con thì cả đám người đang nằm như thây ma vùng dậy vồ lấy mẹ con bà, tranh nhau chiếc bánh.
Những ngày sau, trên dặm hành trình địa ngục ấy, tất cả số tiền bà có đủ để mua ba chiếc bánh thì bà đều bị cướp hết. Cuối cùng bà cũng chỉ còn cách chờ nhặt rác rưởi, cọng rau, xin ăn và tham gia cướp của kẻ khác như họ đã cướp của bà để ăn. Bà không nhớ mình đi mấy ngày, mấy tuần hay mấy tháng thì tới Hà Nội.
Con trai bà Chén năm nay cũng đã ngoài 60 tuổi. Anh nói: “Những câu chuyện cướp bóc, thú tính trong nạn đói, 60 năm qua mẹ tôi không bao giờ muốn nhắc lại. Chỉ có một lần bà kể cho tôi nghe một câu chuyện kinh hoàng: khi bế con đi Hà Nội, qua sông Long Hầu bà thấy có hai bố con nhà nọ đói lả, phù thũng, chắc là sắp đến lúc chết. Người con chừng 7-10 tuổi.
Không hiểu lúc ấy họ kiếm được thứ gì, chắc là có thể ăn được nên hai người tranh nhau rất dữ. Đứa con co cả người nắm chặt tay bố. Hồi lâu đẩy con ra không được, người cha liền co chân đạp con xuống cầu. Đứa trẻ cố níu lấy thành cầu, hai mắt không rời miếng ăn trên tay bố. Người cha lúc ấy kiên quyết hơn và ông ta đã đạp được đứa con rơi xuống nước rồi ngấu nghiến nhét thứ đó vào mồm...”.
Theo điều tra của Viện Sử học tại xã Quảng Đại, Quảng Xương, Thanh Hóa: ông Viên Đình Hữu đói quá quẳng con trai 4 tuổi xuống sông Đơ.
Ông Hoàng Bảo ở xóm Cháy (Đông Hưng, Thái Bình) thấy bố của ông Bắc (cùng xóm) thổi nồi cơm. Ông Bắc bóp cổ bố đến chết để ăn một mình...
Suốt chặng đường khổ ải từ quê nhà lên Hà Nội, bà Chén còn gặp rất nhiều cảnh mẹ bỏ rơi con, chồng chạy trốn vợ, rồi cướp bóc, giết chóc lẫn nhau vì miếng ăn một cách đau thương và rùng rợn như vậy. Nhưng Hà Nội lúc này cũng là địa ngục...
Còn nữa
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Nạn đói năm 1945 - Những ký ức lịch sửNạn đói năm 1945 (kỳ 1): Thảm cảnh quê nhà - 21/04/2019 22:11
- Nạn đói năm 1945 (kỳ 4): Chặng cuối của cuộc đọa đày: Bài 2-Những hố chôn tập thể - 14/04/2019 21:25
- Nạn đói năm 1945 (kỳ 4): Chặng cuối của cuộc đọa đày -Bài 1- Nơi đóng cửa trần gian - 09/04/2019 09:08
- Nạn đói năm 1945 (kỳ 3): Hành trình của những “hồn ma” - Bài 3: Điểm hẹn Sinh tồn - 12/03/2019 11:21
- Nạn đói năm 1945 (kỳ 1): Thảm cảnh quê nhà - Tiếp - 06/03/2019 21:29
Các tin khác
- Nạn đói năm 1945 (kỳ 3): Hành trình của những “hồn ma” - Bài 1. Đoạn trường đày ải - 17/01/2018 22:52
- Nạn đói năm 1945 (kỳ 2): Dưới đáy của địa ngục - Bài 2: Bi thương hơn chết đói - 09/11/2017 21:02
- Nạn đói năm 1945 (kỳ 1): Thảm cảnh quê nhà bài 3-Người khiêng xác - 14/09/2017 21:09
- Nạn đói năm 1945 (kỳ 2): Dưới đáy của địa ngục - Bài 1: Nhà hoang - làng trắng - 08/08/2017 10:43
- Nạn đói năm 1945 (kỳ 4): Chặng cuối của cuộc đọa đày-Khi chúng ta no ấm - 31/12/2016 23:30